Cảnh sát Athens-Clarke đã quá quen với những cuộc gọi 911 về các vụ đột nhập,ộcgọigiúplầnrakẻtrộsauvage dior đánh nhau trong quán bar và đủ loại tội phạm. Nhưng cuộc gọi đó lại khác.
Người ở đầu dây là Jimmy Zhong, 28 tuổi, cựu sinh viên Đại học Georgia, một chuyên gia máy tính có tiếng và ở trong ngôi nhà được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống thông minh.
Zhong thông báo nhà mình bị đột nhập và 150 Bitcoin trị giá hàng trăm nghìn USD khi đó bị đánh cắp. "Tôi đang hoảng loạn", Zhong nói qua điện thoại, theo bản ghi âm CNBC thu được. "Tôi là nhà đầu tư Bitcoin, một cách đầu tư trực tuyến".
Những gì xảy ra tiếp theo đã chấm dứt cuộc truy lùng kéo dài gần một thập kỷ. Cuộc gọi của Zhong vào buổi tối định mệnh giúp cơ quan điều tra Mỹ có manh mối để lần theo dấu vết kỹ thuật số, qua đó tiết lộ sự thật đen tối về thế giới tiền điện tử. Đó là nơi chuyên gia máy tính và kẻ phản diện đổi chỗ cho nhau, thậm chí có thể là cùng một người.
Mọi chuyện không diễn ra theo cách Zhong mong muốn. Cuộc gọi không giúp tìm ra nghi phạm trong vụ đột nhập. Vì thế, Zhong tìm đến điều tra viên tư nhân Robin Martinelli, mà không biết rằng cảnh sát bắt đầu để ý hơn.
Từng giữ chức phó cảnh sát trưởng của một thị trấn, Martinelli không phải một chuyên gia về tiền điện tử. Bà chỉ đảm nhiệm các vấn đề về quyền thừa kế, nuôi con... nhưng vẫn nhận lời giúp Zhong. Bà bắt đầu bằng việc kiểm tra kho lưu trữ video giám sát từ nhà Zhong và phát hiện một bóng người mảnh khảnh, được xác định là nam giới. "Kẻ này mặc áo trùm đầu màu xám kèm mặt nạ trượt tuyết màu đen", Martinelli nói với CNBC trong phim tài liệu mới sắp chiếu.
Nghi phạm dường như biết đường đi quanh nhà Zhong. Martinelli tin đây là một người bạn, hoặc ít nhất từng nghe Zhong khoe về số Bitcoin của mình. Bà theo dõi bạn bè của Zhong trong diện nghi vấn, gồm cả việc đặt thiết bị theo dõi trên ôtô. Nhưng từ đây, Zhong lại có vẻ muốn ngăn công việc của Martinelli.
"Cậu ta sẽ khó chịu khi tôi đề cập đến việc ai đó biết số tiền này ở đâu. Tôi nghĩ, Jimmy đã bị tổn thương khi bị bạn bè thân thiết phản bội", Martinelli nói. Zhong sau đó không thuê bà nữa.
Trong những năm sống ở Athens-Clarke, Zhong nổi tiếng hào phóng, sẵn sàng vung tiền, như mua hết số rượu đắt tiền trong quán bar và mời người lạ. Người này cũng thường xuyên ở các khách sạn hạng sang tại Georgia như Ritz Carlton, Plaza và Waldorf Astoria, mua sắm đồ Louis Vuitton, Gucci và Jimmy Choo, có xe Tesla, mua ngôi nhà thứ hai ven hồ Gainesville, có du thuyền, ván trượt phản lực và rất nhiều rượu. Zhong cũng sẵn sàng thuê máy bay riêng cho nhóm bạn đi chơi.
Nhưng Zhong cũng gây nghi ngờ khi có cuộc sống "sang chảnh" nhưng nguồn thu nhập không rõ ràng. Đối với bạn bè, người này tự nhận là chuyên gia tiền số, đầu tư từ 2008 - năm Bitcoin ra đời - và hưởng thành quả từ đó. Nhưng Zhong không biết mình đã vào tầm ngắm của nhóm đặc vụ của đơn vị Điều tra Hình sự IRS, những người lần theo dấu vết của hàng chục nghìn Bitcoin bị đánh cắp từ nhiều năm trước.
Năm 2012, vụ hack nhằm vào Silk Road - một dark web chuyên bán sản phẩm phi pháp, để mua ma túy và thanh toán bằng Bitcoin - xảy ra và bị lấy đi 50.000 Bitcoin, lúc đỉnh điểm đạt giá trị 3,3 tỷ USD. Nhóm điều tra theo dõi luồng tiền trên blockchain, nhưng không thể lần ra dấu vết. Họ chờ hacker để lộ sơ hở.
"Suốt gần 10 năm, số Bitcoin vẫn không rõ tung tích và dần biến thành một bí ẩn 3 tỷ USD", Damian Williams, một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết trong thông cáo cuối 2022.
Tháng 3/2019, Zhong gọi điện cho cảnh sát. Sáu tháng sau, Chainalysis, công ty phân tích blockchain tham gia truy tìm ví tiền số chứa tài sản bị đánh cắp ở Silk Road, phát hiện hacker mắc một sai lầm nhỏ. Ví này đã chuyển số tiền 800 USD sang một sàn giao dịch tiền số tập trung - nơi yêu cầu người dùng phải khai tên thật và địa chỉ đang ở. Tài khoản sau đó được xác định đăng ký tên Zhong.
Nhóm điều tra chưa thể kết luận Zhong có liên quan đến vụ đánh cắp Bitcoin. Vì thế, IRS gọi cho Sở cảnh sát hạt Athens-Clarke yêu cầu hỗ trợ. Ba điều tra viên Jody Thompson, Trevor McAleenan và Shaun MaGruder tiếp cận Zhong và nói đang điều tra về việc hàng trăm Bitcoin của người này bị đánh cắp. Việc đầu tiên là đến gõ cửa ngôi nhà ở Gainesville. "Nếu các anh giải quyết được vấn đề, tôi hứa chúng ta sẽ có các bữa tiệc hoành tráng", Zhong nói.
Theo camera giấu kín mà nhóm điều tra ghi lại, ngôi nhà có quầy bar, cột múa thoát y và súng. Nhóm sau đó bảo Zhong mở laptop và kể chi tiết về việc mình bị trộm. Người này yêu cầu nhóm quay đi chỗ khác, nhưng camera vẫn ghi lại thông tin. Địa chỉ ví Bitcoin hiện rõ trên màn hình, với trị giá 60-70 triệu USD khi đó.
Khi rời ngôi nhà, MaGruder nghĩ: "Chúng ta đã tìm thấy rồi. Thật không thể tin được".
Một lệnh khám xét nhà được cấp. Ngày 9/11/2021, bộ ba trở lại cùng với một đội ngũ cảnh sát đông đảo. Khi lục tung mọi thứ, nhóm nhìn thấy một hộp bỏng ngô, bên trong là bo mạch chứa khóa bảo mật ví Bitcoin trị giá hàng triệu USD.
Tiếp tục sử dụng chó nghiệp vụ chuyên đánh hơi thiết bị điện tử, nhóm thấy một két sắt chôn dưới tầng hầm, chứa ví Bitcoin với địa chỉ trong vụ hack Silk Road năm 2012. Ngoài ra, còn hàng triệu USD tiền mặt bị phát hiện và thu giữ.
Zhong bị bắt sau đó. Chính phủ Mỹ tịch thu toàn bộ Bitcoin, đồng thời mở quy trình cho phép nạn nhân của vụ hack đăng ký để lấy lại tiền. Nhưng không có ai đứng ra nhận số tiền.
Zhong bị kết án một năm tù giam. Nhưng đến nay, vụ đánh cắp 150 Bitcoin của Zhong vẫn chưa được giải quyết.
Bảo Lâm(theo CNBC)