Ngôi nhà nhỏ của gia đình tọa lạc trên phường An Tịnh. Khi anh ra đời,ữngmiềnquêthươngnhớgoal123 đất nước đã được thống nhất. Qua lời kể của bà và mẹ, anh hiểu được nhiều điều. Ngày 8.11.1945, khi thực dân Pháp kéo đến Tây Ninh, dù vũ khí thô sơ, người dân Trảng Bàng vẫn quyết tâm đứng dậy đánh đuổi ngoại xâm. Thỉnh thoảng anh cùng bè bạn đến tham quan Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong. Những cây cổ thụ lớn cành lá xum xuê là chứng nhân cho những lời thề hào hùng năm xưa.
Trảng Bàng tự hào 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Những ngày học tập và định cư ở nước ngoài, anh luôn khắc khoải, nhớ da diết quê ngoại Trảng Bàng, quê nội Bến Cầu. Những ngày hè nơi vùng đất biên giới xa xôi, anh được chú Út dẫn đi tham quan chợ Cầu Long Thuận. Ngôi chợ nhỏ yên bình cách bến sông khoảng trăm mét. Chú Út nói ngày trước nơi này ghe xuồng tấp nập. Chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng sông Vàm ngửa mặt ngắm trời xanh, mây trắng. Anh còn được đặt chân đến Thành Bảo Long Giang, thấy lòng bồi hồi nhớ đến tiền nhân những ngày mở cõi.
Xứ người văn minh giàu có, con cái anh học hành thành đạt nhưng để tồn tại được anh phải đánh đổi rất nhiều. Là một người sống nội tâm, giàu tình cảm, nhiều lúc anh phải tự kiềm chế cảm xúc của mình. Ở nơi xa, vào những ngày mùa đông, tuyết rơi trắng trời, đêm đến chứng bệnh thấp khớp hành hạ anh không tài nào ngủ được, những lúc ấy nỗi nhớ cựa mình thức dậy. Hình ảnh của bà nằm đưa võng kẽo kẹt, dáng khắc khổ của mẹ trên cánh đồng, bữa cơm chiều chị nấu thơm lừng mùi gạo mới, hay những lúc cùng lũ bạn đi mò ốc, bắt cua… sao mà thân thương quá đỗi!
Ba anh là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà nghèo, nhưng anh học rất giỏi, lấy được học bổng đi Liên Xô và theo yêu cầu của công việc anh tiếp tục ở lại nước bạn để nghiên cứu.
Chuyến về Việt nam lần này anh nhờ một người bạn thân chở đi tham quan một số nơi ở Trảng Bàng và Bến Cầu. Anh không khỏi ngỡ ngàng trước "chiếc áo mới mẻ" được khoác lên "cô thôn nữ xứ Trảng".
Hai chữ thị trấn thân quen đã đi vào quá khứ mà thay vào đó là từ thị xã.
Khu công nghiệp Trảng Bàng thuộc phường An Tịnh có vị trí thật đắc địa khi giáp ranh với TP.HCM, tiếp giáp với Campuchia, nằm kề các con đường lớn đi Long An, Bình Dương…, chính vì vậy đã thu hút các nhà đầu tư lớn.
Chiếc ô tô màu trắng đỗ xịch trước ngôi trường Nguyễn Trãi nơi anh đã học suốt 3 năm cấp III. Hàng dương già cỗi bao năm tháng vẫn reo vui đón bước chân anh...
Những ngôi nhà cao tầng sang trọng được xây dựng trên nền sân bóng đá ngày xưa. Nhớ lúc đó nơi này là điểm hẹn của anh và lũ bạn nối khố. Anh mừng vì Trảng Bàng đang từng bước đổi mới hòa cùng nhịp sống hối hả của phố thị sôi động, nhưng cũng thoáng ngẩn ngơ tiếc nuối những kỷ niệm một thời áo trắng.
Có lẽ những giọt máu hồng đầy hào hùng khí phách của ông cha đổ xuống đã thấm vào lòng đất nuôi cây lúa, cây mì vươn lên thẳng tắp, làm cho mạch nước ngầm thêm ngon thêm ngọt. Trảng Bàng được cả thế giới biết đến với món bánh canh và bánh tráng phơi sương. Mà lạ thật, nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng có món bánh canh, nhưng để làm nên thương hiệu bánh canh Trảng Bàng thì không thể thiếu dòng nước ngọt mát và những ngọn rau rừng xanh mướt có xuất xứ tại nơi chôn nhau cắt rốn của bà Lý Thị Thiên Hương, người con gái xinh đẹp văn võ song toàn. Tên của bà được đặt tên cho ngọn núi có độ cao 986m so với mặt nước biển - núi Bà Đen.
Người bạn kể với anh “nóc nhà Đông Nam bộ” này trong những năm gần đây được xây dựng hệ thống cáp treo hiện đại, chỉ cần ngồi trên cabin khoảng 8 phút là có thể lên đến đỉnh núi, tha hồ hít thở không khí trong lành trong cái rét nhè nhẹ, mơ màng như đang ở xứ sở ngàn hoa.
Chiếc ô tô lại chầm chậm chạy về hướng phường An Hòa. Anh thật bất ngờ trước sự hoành tráng và quy mô quá đỗi của Khu công nghiệp Thành Thành Công, với tổng diện tích 1.020 ha, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất… đang hoạt động. Buổi sáng, công nhân đi làm tấp nập. Những con đường dẫn vào khu công nghiệp được phủ xanh bằng các loại cây tỉa tót khéo léo. Hai hàng cây giao nhau thành hình vòng cung tuyệt đẹp. Cầu An Phước nối hai bờ sông Vàm Cỏ được thông xe ngày 17.3.2022 đã rút ngắn khoảng cách giữa các xã cánh tây của phường Trảng Bàng với phường An Hòa.
Người bạn đi cùng đề nghị ghé thăm Khu tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Anh vô cùng xúc động khi được cô thuyết minh cho biết những thành tích như tải đạn, sửa đường, cứu thương… của lực lượng TNXP khi tham gia trên chiến trường biên giới Tây Nam. Trong cuộc chiến tranh ác liệt đó, lực lượng TNXP TP.HCM đã có 99 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh và gần 200 người để lại một phần xương thịt của mình nơi vùng biên giới Tổ quốc.
Chỉ một ngày vi vu qua 2 huyện Trảng Bàng, Bến Cầu mà tầm mắt của anh mở rộng thật nhiều. Có bao điều mới mẻ, có bao sự đổi thay khiến người con xa xứ trong anh trào dâng cảm xúc. Anh thầm nghĩ sẽ cố gắng sắp xếp công việc đưa cả gia đình về thăm quê hương, thăm mồ mả ông bà, thăm quê nội, quê ngoại, gieo vào lòng con trẻ niềm kiêu hãnh là người con của miền Đông Nam bộ.